Phút sinh tử của 11 ngư dân gặp nạn ở Hoàng Sa

11 ngư dân gần như kiệt sức trên tàu cá bị chết máy, trôi dạt hơn một tuần ở vùng biển Hoàng Sa trong tình cảnh cạn kiệt lương thực. Khi cái chết cận kề thì họ đã được tàu cảnh sát biển Việt Nam vượt sóng lớn kịp thời cứu sống.

Sau hơn bốn ngày đêm tham gia cứu hộ, cứu nạn, lúc 14h chiều 4/4, tàu cảnh sát biển vùng 2 kéo hụ liên tiếp nhiều hồi còi dài báo hiệu lai dắt thành công tàu cá Quảng Ngãi cùng 11 ngư dân từ vùng biển Hoàng Sa về cập cảng Kỳ Hà, tỉnh Quảng Nam. Vừa thấy bóng dáng chồng, con phờ phạc trên mũi tàu cá gặp nạn, những người vợ, người mẹ của những ngư dân òa khóc.

Giây phút xúc động của ngư dân Trần Văn Liệu bên vợ, con vừa mới thoát nạn trở về từ Hoàng Sa. Ảnh: Trí Tín
Giây phút xúc động của ngư dân Trần Văn Liệu bên vợ, con vừa mới thoát nạn trở về từ Hoàng Sa. Ảnh: Trí Tín

Vừa đặt chân lên cảng, ngư dân Trần Văn Liệu ôm đứa con gái nhỏ của mình từ tay người vợ nựng nịu, hôn lấy, hôn để rồi mếu máo khóc như đứa trẻ lên ba. “Mấy ngày tàu bị chết máy, trôi dạt ở vùng biển Hoàng Sa nghĩ đến vợ cùng con nhỏ ở nhà mà cay đắng. Những lúc nghĩ dại lỡ tàu chìm, bỏ mạng dưới biển sâu thì không biết vợ, con sống thế nào…”, anh Liệu nghẹn giọng.

Chỉ tay về phía con tàu tơi tả vừa thoát nạn trở về, thuyền trưởng Phạm Văn Mãng quê ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, kể: “Anh em đang hành nghề bỗng dưng tàu chết máy, gãy lái rồi trôi dạt lênh đênh trên biển. Nếu tiết trời biển êm thì cũng đỡ lo sợ, ai ngờ cơn bão số 1 nên sóng to, gió lớn liên tiếp ập tới muốn bổ đôi, nhấn chìm tàu xuống đáy biển. Chúng tôi bàn nhau dè sẻn từng nhúm gạo, ăn cháo cầm hơi suốt ba ngày, cuối cùng bình gas hết nhẵn, lương thực cạn kiệt đưa anh em vào đường cùng”.

Trong những giây phút hãi hùng chống chọi với sóng dữ, thuyền trưởng Mãng kêu gọi anh em ngư dân lấy dây thừng kết nối những can nhựa rỗng có trên tàu, phòng khi tàu bị chìm thì 11 ngư dân cùng cột tay vào nhau biến nó thành bè phao theo tinh thần “sống cùng sống, chết cùng chết”.

Thuyền trưởng Phạm Văn Mãng mừng vui đoàn tụ bên vợ sau nhiều ngày thắc thỏm lo âu, chờ đợi chồng trở về từ Hoàng Sa. Ảnh: Trí Tín
Thuyền trưởng Phạm Văn Mãng mừng vui đoàn tụ bên vợ sau nhiều ngày thắc thỏm lo âu, chờ đợi chồng trở về từ Hoàng Sa. Ảnh: Trí Tín.

Ngư dân Trần Văn Mười quê ở xã Vạn Thành, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, đi trên tàu cá gặp nạn này chưa hết sợ hãi bộc bạch: “Nghĩ đến cảnh lấy dây thừng cột nối với những can nhựa chuẩn bị đối diện với cái chết cận kề trước mặt là em ám ảnh”. Anh Mười kể, trên tàu có 7 anh em ngư dân trai trẻ từ 20 đến 24 tuổi cùng quê ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa ra “đi bạn” cho tàu cá anh Mãng.

“Đứa nào cũng chưa có vợ, con, có đứa chưa biết yêu là gì, nên trong những ngày gặp nạn trên biển chỉ biết ôm nhau khóc trong tuyệt vọng”, anh Mười nói.

Đứng cạnh Mười, ngư dân Trần Kim Hưng (cùng quê Mười) cũng khó tin mình sống sót trở về đất liền: “Sóng lớn ập vào tàu nghiêng ngả kêu răng rắc, lương thực thì cạn sạch. May mà có tàu cảnh sát biển ra ứng cứu kịp, nếu chậm khoảng hai ngày nữa thì chúng tôi không chết chìm thì cũng chết đói”.

Trong giây phút tưởng chừng như tuyệt vọng thì đến ngày 2/4, Cục cảnh sát biển Việt Nam đã điều động tàu cảnh sát biển vùng 2 vượt sóng to, gió lớn gần 350 hải lý ra vùng biển Hoàng Sa ứng cứu tàu gặp nạn.

Lực lượng cảnh sát biển Vùng 2 neo buộc, lai dắt tàu cá Quảng Ngãi gặp nạn trên đường về đất liền chiều nay. Ảnh: Trí Tín
Lực lượng cảnh sát biển Vùng 2 neo buộc, lai dắt tàu cá Quảng Ngãi gặp nạn trên đường về đất liền chiều nay. Ảnh: Trí Tín

Tại buổi lễ bàn giao tàu cá cùng 11 ngư dân gặp nạn ở vùng biển Hoàng Sa, chiều 4/4, Chính trị viên tàu cảnh sát biển Vùng 2 Phạm Văn Dũng cho biết, tàu cảnh sát biển này đã có khoảng 7 lần cứu hộ, cứu nạn tàu cá của ngư dân trên vùng biển các tỉnh miền Trung. Đây là lần đầu tiên tàu thực thi nhiệm vụ ứng cứu ngư dân gặp nạn ở vùng biển Hoàng Sa – cách đất liền khoảng 350 hải lý, trong điều kiện thời tiết biển diễn biến phức tạp.

“Khó thể tả cảm xúc của anh em cán bộ, chiến sĩ chúng tôi vào buổi sáng sớm ngày 2/4 thấy những cánh tay ngư dân vẫy cầu cứu trước mũi tàu”, anh Dũng nói.

Tuy nhiên do thời tiết sóng lớn, gió cấp 7, cấp 8 nên các chiến sĩ tàu cảnh sát biển dùng dây thừng kéo để vận chuyển lương thực, nước uống tiếp tế để ngư dân sớm hồi phục sức khỏe. Sau hơn 4 giờ vật lộn với sóng dữ, tàu cảnh sát biển vùng 2 mới có thể tiếp cận tàu bị nạn lai dắt, đưa 11 ngư dân về đất liền.

Cũng trong chiều 4/4, Cục cảnh sát biển Việt Nam đã khen thưởng đột xuất tập thể, các cá nhân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ứng cứu 11 ngư dân gặp nạn ở vùng biển Hoàng Sa đưa về đoàn tụ cùng gia đình. Cùng ngày, UBND huyện Bình Sơn đã cử đoàn cán bộ, điều xe đón các ngư dân tại cảng Kỳ Hà về sum họp cùng người thân.